Liệu chúng ta sinh ra với một loạt đặc điểm và khuynh hướng cố định, hay giống như một cục đất sét được điêu khắc, nhào nặn bởi bàn tay của đấng quyền năng? Đây là cuộc tranh luận kinh điển về bẩm sinh/ nuôi dưỡng, mà nói theo khoa học hiện đại là câu hỏi về đóng góp tương đối của gen so với tác động của môi trường.
Ngày nay, người ta nhận ra rằng con người được hình thành bởi cả yếu tố di truyền lẫn kinh nghiệm sống, thường là bằng tương tác. Ví dụ tuyệt vời về cách gen và môi trường có thể kết hợp dẫn đến kết quả nhất định là một nghiên cứu kéo dài hàng thập niên trên hàng ngàn người ở New Zealand.
Trong nghiên cứu này, những người tham gia đều sở hữu một phiên bản ít hoạt động của gen MAOA (gián tiếp tham gia vào việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, giúp điều chỉnh tâm trạng và tính hung hăng). Với những người lớn lên mà không bị bạo hành, gen MAOA ít hoạt động không tạo ra khác biệt nào về khả năng hình thành tính cách hung hãn ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, với những người chịu ngược đãi ngày bé, loại gen này lại khiến họ cực kì dễ phát triển tính cách phản xã hội. Như vậy, đây không phải là bẩm sinh so với nuôi dưỡng, mà là bẩm sinh qua cách nuôi dưỡng.
Một minh chứng nữa về cách bẩm sinh và nuôi dưỡng tương tác: Ngành khoa học sinh học tiên tiến đang dần hé lộ cách mà các trải nghiệm nhất định có thể thay đổi hoạt động của gen mà thậm chí không cần thay đổi trình tự ADN (bộ gen duy nhất của mỗi người). Người ta gọi hiện tượng này là “ngoại di truyền” và đã được chứng minh, ví dụ những con chuột được chuột mẹ nuôi dưỡng sẽ ít bị căng thẳng, bởi việc được liếm lông nhiều hơn đã thay đổi chức năng của các gen liên quan đến giao tiếp giữa các tế bào não.