Bộ não có hai bán cầu, bên trái và bên phải, mỗi bên liên kết và phối hợp qua một bó sợi gọi là thể chai. Trong những năm 1960, nhà thần kinh học Roger Sperry đã khám phá ra rằng, khi bó sợi này bị cắt đứt thì não người không chỉ tiếp tục hoạt động, mà mỗi bên sẽ có ý thức độc lập ở một mức độ nào đó. Sperry đã nghiên cứu những bệnh nhân mắc chứng động kinh không thể chữa và đã được phẫu thuật cắt thể chai để ngăn cơn co giật lan rộng. Nhiều năm trước, các nhà thần kinh học đã nghiên cứu các bệnh nhân bị tổn thương não và phát hiện ra rằng: Một số chức năng nhất định như ngôn ngữ phụ thuộc nhiều vào bán cầu não trái, trong khi thị giác phụ thuộc nhiều vào bán cầu não phải. Sperry nhận thấy các bệnh nhân có “bộ não chia cắt” giúp khám phá rõ hơn điều này. Ví dụ, ông phát hiện ra nếu cho bán cầu não trái (chuyên xử lí ngôn ngữ) của bệnh nhân xem một từ thì anh ta đọc hiểu bình thường, nếu cho bán cầu não phải (chuyên sắp xếp hình ảnh) xem thì anh ta không hiểu. Đổi lại, nếu nhiệm vụ là vẽ ra thứ mà từ đó miêu tả, bệnh nhân chỉ có thể vẽ được những từ xem bởi bán cầu não phải, ngược lại thì anh ta không làm được.
Văn hóa đại chúng bị cuốn theo những phát hiện của Sperry và chúng ta thường nghe thấy các ý kiến không chính xác rằng phần bên phải bộ não thì “sáng tạo” còn phần bên trái thì “lí trí”. Đây là lối suy nghĩ chung, không phải tuyệt đối, nhưng cũng sai lệch như cho rằng người nước này “tình cảm” trong khi người nước nọ thì “thực tế”. Sự thật, nghiên cứu của Sperry nhấn mạnh bộ não là một mạng lưới phức hợp và các khả năng của chúng ta phụ thuộc vào sự phối hợp giữa hai bên bán cầu để có được tiềm năng đầy đủ.