Lawrence Kohlberg nghiên cứu quá trình phát triển đạo đức bằng cách đặt trẻ em vào những tình huống khó xử liên quan đến mâu thuẫn giữa một hoặc nhiều nguyên tắc đạo đức.
Ông phân loại trẻ em tham gia theo từng cấp độ của quá trình phát triển đạo đức, dựa trên lí do câu trả lời mà chúng đưa ra. Kohlberg đã xác định ba cấp độ phát triển đạo đức, mỗi cấp độ gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, ý thức đúng/ sai của trẻ được xác định bằng việc có bị trừng phạt hay không, còn giai đoạn 2 là bằng mong muốn của người khác và phần thưởng. Giai đoạn 3, hành vi tốt được xác định bằng những gì giúp ích và khiến người khác hài lòng, còn giai đoạn 4 là một cách thể hiện sự tôn trọng với quyền lực. Giai đoạn 5, trẻ hiểu rằng dù bình thường nên tuân theo các qui tắc, đôi lúc qui tắc vẫn có thể bị thay thế bởi quyền lợi cá nhân. Giai đoạn 6, cấp cao nhất, các hành động được quyết định bởi các qui tắc đạo đức tự chọn như công lí, bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người – những điều được thiết lập qua suy ngẫm. Các qui tắc này đều trừu tượng và phổ quát. Trách nhiệm đạo đức đầy đủ chỉ có thể đạt được bằng cách hành động tuân theo chúng.
Kohlberg tin rằng chỉ có 10% người trưởng thành đạt được cấp độ đạo đức này. Về sau ông kết luận rằng giai đoạn 6 có thể không phải là một giai đoạn tách biệt.
Kohlberg phát hiện ra rằng câu trả lời của trẻ em thuộc các quốc tịch và lứa tuổi khác nhau đều rất tương thích với các giai đoạn phát triển đạo đức của ông. Một số nhà tâm lí học đã tranh luận rằng hầu hết trẻ em không quen với các tình huống khó xử về mặt đạo đức được sử dụng trong thử nghiệm và có thể trả lời chín chắn hơn nếu tình huống liên quan tới chúng hơn. Những người khác thì cho rằng việc nhấn mạnh vào công lí khiến lí thuyết của Kohlberg vốn đã phân biệt giới tính, bởi vì những phẩm chất truyền thống được cho là “tính tốt” của phái nữ như quan tâm tới người khác lại có điểm thấp trong thang đo của ông.