Là một nhà nhận thức luận (người nghiên cứu về bản chất của kiến thức), Piaget quan tâm đến cách kiến thức phát triển ở người như thế nào và xem trí thông minh là một phương tiện giúp chúng ta thích nghi với môi trường. Ông tin rằng cách hiểu thực tế của một đứa trẻ được xây dựng qua sự tương tác liên tiếp với thế giới và kiến thức đó được sắp xếp thành các lược đồ ( các khối tạo dựng cơ bản của hành vi thông minh), thứ ngày càng trở nên phức tạp khi trẻ trưởng thành. Piaget đề xuất rằng kiến thức phát triển theo các giai đoạn. Trong giai đoạn vận động cảm giác (0-2 tuổi), đứa trẻ “nghĩ” bằng cách nhận thức đồ vật và tác động lên chúng. Khi kết thúc giai đoạn này, đưa trẻ sẽ tìm kiếm đồ vật bị giấu đi – “không thấy” không còn là “không nhớ”.
Giai đoạn tiền thao tác (2-7 tuổi) được xác định chủ yếu bởi sự phát triển và sử dụng các hình ảnh tưởng tượng, biểu tượng và ngôn ngữ. Đứa trẻ sẽ vị kỉ, hay tự cho mình là trung tâm, không thể hiểu rằng người khác có thể nhìn sự việc theo cách khác. Trong giai đoạn thao tác cụ thế (7-11 tuổi), đứa trẻ trở nên bớt cho mình là trung tâm và có thể suy nghĩ một cách logic, nhưng vẫn cần thao tác với đồ vật để làm được vậy. Giai đoạn thao tác chính thức (11-15 tuổi) được đánh dấu bởi khả năng sử dụng ý tưởng và suy nghĩ giả định về các tình huống chưa từng trải nghiệm.
Piaget có tầm ảnh hưởng rất lớn nhưng các ý tưởng của ông bị chỉ trích cực kì nặng nề. Lời chỉ trích lớn nhất là về việc ông bỏ qua vai trò của các yếu tố xã hội trong sự phát triển kiến thức. Một chỉ trích khác là ông không sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn. Ông bắt đầu bằng cách hỏi những đứa trẻ một loạt câu hỏi giống nhau rồi chỉnh sửa những câu hỏi sau theo câu trả lời mà đám trẻ đưa ra. Hơn thế nữa, ông không sử dụng thống kê để phân tích các kết quả và không giải thích sự khác biệt của từng cá nhân.