Ý tưởng các biểu hiện của con người là phổ quát đã có từ thời Darwin và được Paul Ekman phổ biến trong những năm 1970. Ekman lập luận rằng các chuyển động cơ mặt chính là khối tạo dựng nên biểu cảm gương mặt và mối liên hệ giữa chúng là phổ quát. Ông xem xét những bức ảnh chụp nhiều biểu cảm của con người từ các vùng khác nhau trên thế giới, bao gồm Bắc Mĩ và Nam Mĩ, Nhật Bản, tộc người Fore ở vùng cao nguyên Papua New Guinea, và thấy rằng tất cả đều thể hiện khuôn mặt giống nhau với các cảm xúc tương ứng. Ông cũng quay lại nét mặt của sinh viên Mĩ và Nhật khi họ xem phim và quan sát được những biểu cảm giống nhau. Ekman lấy những kết quả này làm bằng chứng cho thấy các biếu cảm là giống nhau ở khắp các nền văn hóa và kiến nghị rằng sự phổ quát rõ ràng này là do tiến hóa, cơ chế não bẩm sinh, hay các quá trình phát triển chung. Ekman sử dụng các phát hiện này để phát minh ra Hệ Thống Mã Hóa Nét Mặt (FACS), một hệ thống liệt kê đầy đủ các biểu cảm. Ông áp dụng FACS cho các nghiên cứu về việc biểu cảm thay đổi như thế nào ở những người bị rối loạn tâm thần, và lập luận rằng bệnh nhân trầm cảm và tâm thần phân liệt không thể nhận ra các cảm xúc cụ thể. Ngày nay, FACS vẫn là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để phân loại nét mặt.
Từ nghiên cứu của Ekman, nhìn chung mọi người đều chấp nhận rằng nét mặt là một ngôn ngữ cảm xúc phổ quát. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy người Tây Âu và châu Á sử dụng các hệ thống giải mã nét mặt khác và hệ thống của người châu Á không thể phân biệt chắc chắn giữa biểu hiện sợ hãi và ghê tởm theo cách mã hóa của FACS. Điều này cho thấy các biểu cảm không hề phổ quát.