Định kiến xuất hiện từ tuổi nhỏ. Trẻ nhỏ ưu tiên chơi với những đứa trẻ có cùng màu da hay đơn giản là tình cờ mặc quần áo giống mình. Ở tuổi trưởng thành, trong những trường hợp cực đoan, bản năng định kiến này khiến chúng ta đối xử vô nhân đạo với những người bị coi là người ngoài. Theo nhà tâm lí học người Mĩ Gordon Allport, biện pháp đối phó với điều này là tiếp xúc liên nhóm. Tức là bằng cách tiến tới tiếp xúc với “thứ khác”, chúng ta phát hiện ra họ cũng là người. Có vô số nghiên cứu, rất nhiều trong số đó được thực hiện tại những điểm nóng về xung đột tôn giáo nổi tiếng như Bắc Ireland, đã khẳng định rằng những người tiếp xúc với các thành viên khác nhóm thường có thái độ tích cực hơn đối với họ.
Để việc tiếp xúc đem lại lợi ích, người bên ngoài phải được xem như đại diện của nhóm mà họ thuộc về. Việc tiếp xúc cũng cần có ý nghĩa. Khi thành viên của các nhóm xã hội khác nhau trao đổi thân mật, họ bắt đầu nhận thức được mình có nhiều điểm chung như thế nào.
Một vấn đề với nhiều nghiên cứu về giả thuyết tiếp xúc là nó chỉ tiêu biểu tại một thời điểm. Những kiểu nghiên cứu này không thể chứng minh việc tiếp xúc tạo ra các thái độ tích cực. Có thể đơn giản là người có thái độ tích cực thường tìm kiếm nhiều tiếp xúc hơn. Dù vậy khá lạc quan là một nghiên cứu gần đây gợi ý rằng “tiếp xúc mở rộng’, tức là bạn bè có quen ai đó ở nhóm ngoài, giúp giảm thiểu định kiến. Tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ tích cực với thành viên ngoài nhóm cũng có hiệu quả tương tự.