Điểm IQ của bạn được di truyền và phụ thuộc vào nhóm chủng tộc của bạn. Vị trí của các ngôi sao trên bầu trời vào lúc bạn sinh ra ảnh hưởng tới tính cách của bạn tới cuối đời. Hút thuốc không gây ra ung thư phổi… Đây là một số niềm tin gây tranh cãi mà nhà tâm lí học gốc Đức Hans Eysenck đã chống lại trong cuộc đời thách thức các nền tảng khoa học của mình.
Ở một số điểm, phần còn lại của thế giới cuối cùng cũng theo kịp ông. Quan điểm của ông là Freud không khoa học và phân tâm học không giúp điều trị chứng nhiễu tâm. Lần đầu ông nêu lên điều này vào những năm 1950 công chúng đã phẫn nộ, nhưng từ đó ông dần nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ông cũng là một trong những người đầu tiên tranh luận rằng tình dục và bạo lực trên truyền hình tác động tiêu cực đến khán giả. Ý tưởng này bị nhạo báng vào những năm 1970 nhưng hiện nay được rất nhiều nhà phân tích đồng tình. Và theo quan điểm của ông, chính trị không chỉ phân chia đơn giản lề trái và lề phải, hay chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa bảo thủ, mà còn thành “tư duy bảo thủ” và “tư duy mềm mỏng”.
Theo lí thuyết này, phát xít, đàn ông và tầng lớp lao động thường có xu hướng “tư duy bảo thủ” trong khi những người dân chủ, phụ nữ và tầng lớp trung lưu có “tư duy mềm mỏng” hơn. Không chỉ thế, vị trí của bạn trên thang điểm bảo thủ có 50% được xác định bởi gen.
Có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi các quan điểm hơi hướng cực đoan của Eysenck đã kích động những phản ứng quá khích. Ông được miêu tả là “nhà tâm lí học mà mọi người thích ghét nhất” và bị tấn công thân thể khi diễn thuyết. Tuy nhiên, Eysenck cũng nên được nhớ tới với mô hình ba yếu tố tính cách đã đứng vững trước thách thức của thời gian, đóng vai trò tiên phong cho lí thuyết giờ được chấp nhận rộng rãi là mô hình năm yếu tố. Danh tiếng của ông đi cùng với sức lao động phi thường, gồm khoảng 80 cuốn sách, và vào lúc qua đời, ông là nhà tâm lí học được trích dẫn nhiều nhất trong thế hệ của mình. “Sự khéo léo và tài ngoại giao thì ổn trong các quan hệ quốc tế, chính trị và có lẽ cả kinh doanh nữa,” ông viết. “Với khoa học chỉ có một thứ quan trọng, đó là sự thật.”