Loài người đang trở nên thông minh hơn. Ít nhất điều đó dường như đang xảy ra nếu bạn so sánh điểm số trắc nghiệm trí thông minh trung bình ngày nay so với các thế hệ trước ở thế kỉ 20. Hiện tượng này được đặt tên là “hiệu ứng Flynn”, sau khi được Giáo sư Nghiên cứu Chính trị người New Zealand James R. Flynn chú ý đến. Mẫu thức tương tự cũng được tìm thấy ở 30 quốc gia còn lưu trữ dữ liệu lịch sử cần thiết. Vậy trí thông minh đã tăng lên bao nhiêu? Theo Flynn, nếu chúng ta phân bổ điểm IQ 100 cho thành tích trung bình của người Mĩ trưởng thành đương đại (theo qui ước) thì một người Mĩ trưởng thành vào năm 1900 đạt được điểm số thông minh trung bình, theo tiêu chuẩn ngày nay, nằm giữa 50 và 70.
Đây là khoảng điểm thường được xem là bị khiếm khuyết khả năng học tập! Tất nhiên không phải tất cả người ở thời Victoria đều ngu ngốc. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy chúng ta chỉ cải thiện khả năng ở các thang đo phụ – đặc biệt là khả năng phân loại khái niệm và nhận ra qui tắc trừu tượng.
Flynn tin rằng giáo dục khoa học và công nghệ hình ảnh ngày càng phổ biến đã đẩy mạnh thành tích của chúng ta trong các lĩnh vực này.
Dữ liệu từ cuối thế kỉ 20 chỉ ra rằng hiệu ứng Flynn đã dừng lại ở một số quốc gia phát triển và thậm chí bắt đầu đảo ngược. Một nghiên cứu vào năm 2008 của Thomas Teasdale và David Owen với lính nghĩa vụ quân sự Đan Mạch phát hiện ra những người trắc nghiệm chỉ số thông minh vào năm 2003 – 2004 có điểm số IQ thấp hơn đáng kể so với những người trắc nghiệm vào năm 1998. Hiện chưa rõ nguyên nhân là gì.