Ở quận Kew Gardens của New York vào tháng Ba năm 1964, quản lí quầy rượu Kitty Genovese bị đâm đến chết. Người ta ghi nhận có 38 người dân sống ở các căn hộ chung quanh chứng kiến chuyện này, nhưng không ai làm gì để giúp đỡ. Thảm kịch đã dấy lên một làn sóng phản đối về mặt đạo đức trên tờ báo địa phương, và thúc đẩy các nhà tâm lí học John Darley và Bibb Latané nghiên cứu một hiện tượng được biết với cái tên “hiệu ứng người ngoài cuộc” Theo bài luận có ảnh hưởng mạnh mẽ vào năm 1968, Darley và
Latané đã lừa những người tham gia nghiên cứu nghĩ rằng một người khác trong phòng mắc chứng co giật. Phát hiện quan trọng là, những người tham gia nghĩ là chỉ có mình họ trong phòng với “nạn nhân” có nhiều khả năng tìm kiếm giúp đỡ hơn và làm thế nhanh hơn những người ngồi chung phòng với ba hay bốn người khác. Một giải thích về hiện tượng này là sự hiện diện của người khác giảm thiểu ý thức trách nhiệm đối với tình huống.
Khi sử gia Joseph de May phân tích quá trình tố tụng từ phiên tòa xét xử Winston Moseley, tên sát nhân giết Kitty Genovese, ông nhận thấy câu chuyện 38 người chứng kiến mà không làm gì chỉ là chuyện hoang đường của các bài báo đưa tin không chính xác. Thực tế, lần tấn công đẫm máu thứ hai của Moseley đối với Genovese diễn ra tại một cầu thang khuất khỏi tầm nhìn của tất cả nhân chứng. Tuy nhiên, vô số nghiên cứu tâm lí học đã khẳng định rằng hiệu ứng người ngoài cuộc là có thật.