Theo Jean Piaget, trẻ em bắt đầu suy nghĩ như người lớn ở độ tuổi giữa 11 và 15. Không ngạc nhiên khi ý thức người lớn của chính ông cũng khởi đầu từ các sự kiện quanh tuổi đó. ở độ tuổi 10 hay 11 (Piaget lớn trước tuổi), cậu bé Piaget đã viết bài báo dài một trang về con chim bồ câu bạch tạng mà cậu tìm thấy tại quê nhà ở Neuchâtel, Thụy Sĩ. Một tạp chí lịch sử tự nhiên đã đăng nó và sự nghiệp Piaget bắt đầu. Cậu được kèm cặp bởi người đứng đầu bảo tàng lịch sử tự nhiên và trở thành chuyên gia về động vật thân mềm. Khi người thầy qua đời vài năm sau, cậu viết bài cho vài tạp chí khoa học khác nhau. Các biên tập viên đều cho rằng tác giả là một người trưởng thành. Khi Piaget 21 tuổi, ông đã được Đại học Neuchâtel đã trao bằng tiến sĩ nhờ nghiên cứu về động vật thân mềm.
Tuy nhiên, Piaget lại nổi tiếng toàn cầu nhờ một chủ đề khác mà ông tình cờ chạm phải khi học tâm lí học tại Đại học Sorbonne ở Paris. Ở đó, ông gặp gỡ nhà tâm lí học Théodore Simon, người đã cùng đồng nghiệp Afred Binet phát minh bài trắc nghiệm trí thông minh gọi là “thang đo Binet-Simon”. Simon đã nhờ Piaget thử nghiệm bài trắc nghiệm này cho học sinh tại một trường học ở Paris, nơi Binet đang tiến hành nghiên cứu. Mặc dù thử nghiệm bị chỉ trích vì tính cứng nhắc, Piaget rất hào hứng khi tìm thấy lí do trẻ em liên tục hiểu sai một số câu hỏi nhất định.
Khi hỏi đám trẻ, ông không chỉ khám phá ra chủ đề nghiên cứu trong suốt cuộc đời còn lại (cách kiến thức phát triển) mà còn là phương pháp luận của mình: Những cuộc phỏng vấn một-đối-một với các đối tượng.
Piaget tiếp tục viết hơn 50 cuốn sách và hàng trăm bài báo, hầu hết đều là về sự phát triển của trẻ. Dù vậy, ông luôn khẳng định mình không phải là nhà tâm lí học về trẻ em mà là nhà nhận thức luận về di truyền, vì điều ông quan tâm thực sự là sự phát triển của kiến thức. Trong nhiều nghiên cứu ban đầu, các đối tượng nghiên cứu yêu thích của ông chính là ba người con, từ lúc chúng còn bé đến 12 tuổi và cả sau đó.