Chứng sợ rắn và nhện phổ biến hơn các nỗi sợ về xe cộ và ổ cắm điện, bất chấp thực tế là xe ô tô và điện giết nhiều người hơn. Lí thuyết về khả năng sẵn sàng học hỏi của nhà tâm lí học Martin Seligman gợi ý rằng, đó là vì chúng ta đã phát triển một hệ thống sợ hãi được “chuẩn bị sẵn” – nhạy cảm với những trường hợp nhất định do ảnh hưởng của tiến hóa. Trong thế giới hiện đại, tai nạn giao thông và điện là những thứ giết rất nhiều người, nhưng trong phần lớn lịch sử loài linh trưởng (tổ tiên đầu tiên của chúng ta), các loài bò sát như rắn và nhện là những rủi ro lớn hơn rất nhiều. Theo thuyết này, những con linh trưởng dễ dàng học được cách sợ các mối đe dọa lớn nhất có nhiều khả năng sống sót và di truyền lại gen của mình. Tức là, qua thời gian, chúng ta đã phát triển một hệ thống học cách sợ dựa trên di truyền, vốn được điều chỉnh để phản ứng với những nguy hiểm nhất định chứ không phải cái khác. Seligman nghĩ ra lí thuyết này vào năm 1970, nhưng phải mất nhiều năm thử nghiệm sau đó mới có đủ bằng chứng ủng hộ. Cả những con khỉ và trẻ sơ sinh cùng có sự nhạy cảm này, chứng tỏ hệ thống này là bẩm sinh. Lí thuyết của Seligman cũng đã phát triển với nhiều phiên bản gần đây hơn, gợi ý rằng tiến hóa đã cho chúng ta một “chương trình sợ hãi” cụ thể, hoạt động nhanh chóng, tự động, và dựa trên các mạch não chuyên biệt.
Mọi người dễ dàng chấp nhận quan niệm là một số nỗi sợ dễ học được hơn những cái khác. Tuy vậy, tuyên bố rằng đây thuần túy là kết quả của quá trình tiến hóa thì khó chứng minh hơn. Bởi vì chứng sợ thường không xuất hiện cho tới tuổi thiếu niên hay thành niên. Có lẽ vì chúng ta có nhiều khả năng sợ một số thứ nhất định xuất phát từ niềm tin văn hóa, qua quan sát cách những người khác phản ứng và cảnh báo của cha mẹ, cũng tương tự như qua ảnh hưởng của tiến hóa.