Bức thư nhẹ nhàng rơi xuống tấm thảm chùi chân. Bạn xé mở phong bì, lướt qua bức thư và đây rồi, dòng chữ quan trọng thông báo bạn đã được nhận việc. Niềm vui dâng trào khiến khuôn mặt bạn nở nụ cười rạng rỡ. Chờ đã nào. Theo lí thuyết cảm xúc của James-Lange (được đề xuất độc lập bởi nhà tâm lí học người Mỹ vĩ đại William James và nhà sinh lí học người Đan Mạch Carl Lange), cách miêu tả này bị ngược.
James và Lange tranh luận rằng một tác nhân kích thích, trong trường hợp này là tin vui, đã kích hoạt các phản ứng sinh lí như nhịp tim tăng lên và nở nụ cười, chính sự thay đổi về cơ thể và cơ mặt này mới gây ra cảm xúc như niềm vui. Cuối thế kỉ 19, James đã đưa ra ví dụ về cuộc chạm trán với một con gấu. Ông bàn luận rằng chúng ta không trở nên hoảng loạn, run rẩy và rồi bỏ chạy. Thay vào đó, chúng ta run rẩy rồi bỏ chạy và chính những thay đổi của cơ thể đó đã khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Lí thuyết James-Lange bị thách thức vào đầu thế kỉ 20 bởi nhà sinh lí học Walter Cannon.
Ông thực hiện các thí nghiệm rùng rợn cho thấy những con chó vẫn thể hiện cảm xúc ngay cả sau khi ông cắt đứt tủy sống của chúng, do đó ngăn phản hồi cơ thể đến được bộ não.
Lí thuyết James-Lange đã nhận được sự ủng hộ trong những năm gần đây từ nghiên cứu cho thấy chỉ hành động mỉm cười có thể khiến con người cảm thấy hạnh phúc hơn. Hơn thế nữa, một nghiên cứu vào năm 2008 ở phụ nữ đã trải qua tiêm botox thẩm mĩ phát hiện ra vùng trung tâm cảm xúc của bộ não khi trưng ra biểu cảm tức giận ít hoạt động hơn thông thường. Các nhà khoa học đề xuất rằng botox đã gây liệt một số cơ mặt của họ, do đó giảm ảnh hưởng đến cảm xúc.