Stanley Milgram muốn tìm hiểu làm thế nào những người bình thường có thể tham gia vào các hành động vô cùng độc ác. Ông tham khảo ví dụ khủng khiếp là thảm họa diệt chủng Holocaust, khi các công dân bình thường và lính tráng hợp tác với nhau thực hiện âm mưu xấu xa của Đức Quốc xã. Trong thí nghiệm của
Milgram, các tình nguyện viên nghĩ rằng mình tham gia nghiên cứu về trí nhớ, giật điện một đối tác mỗi khi người đó quên chuyện gì. Sự thật đối tác là một diễn viên và không hề có chuyện giật điện. Anh ta sẽ rú lên và phản đối khi tình nguyện viên làm điều mà anh ta nghĩ là gây ra những cú giật điện ngày càng dữ dội. Liệu một người bình thường có chọn số điện áp gây chết người với một người đàn ông vô tội hay không? Khi một nhà khoa học mặc áo khoác xám đứng trong góc phòng và trấn an các tình nguyện viên những câu như “thí nghiệm này yêu cầu anh tiếp tục,” 65% người tham gia sẽ chọn gây ra cơn giật điện chết người. Nghiên cứu của Milgram thực chất là một chuỗi 18 nghiên cứu để kiểm tra các yếu tố khác nhau ảnh hưởng thế nào tới khả năng các tình nguyện viên sẽ tuân lệnh một nhân vật có quyền lực và gây giật điện chết người. Ông phát hiện ra các yếu tố như việc ở cách xa nạn nhân, quyền lực của người đưa ra mệnh lệnh và sự hiện diện của những người khác trong cùng hoàn cảnh tuân theo mệnh lệnh sẽ làm tăng khả năng một người tuân lệnh giết người.
Khi Milgram miêu tả chi tiết qui trình với một nhóm bác sĩ tâm thần, họ tiên đoán rằng chỉ có một “kẻ cực đoan bệnh hoạn” sẽ tuân thủ người làm thí nghiệm tới mức gây chết người. Rất nhiều người nghe tới thí nghiệm của Milgram phản đối rằng họ sẽ không tuân lệnh, hoặc con người thời nay sẽ không hành xử như vậy (Milgram thực hiện các nghiên cứu vào những năm 1960 và 1970). Không may là, bài học của Milgram về sự nguy hiểm của việc phục tùng chính quyền vẫn đúng trong hoàn cảnh ngày nay.