Một buổi sáng ở California vào năm 1971, 12 sinh viên bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đưa tới một nhà tù giả, nơi họ bị còng tay và mặc áo khoác dài đến đầu gối. Những người đàn ông này đã tình nguyện tham gia một nghiên cứu tâm lí về cuộc sống trong tù. 12 sinh viên khác từ 75 người tình nguyện được phân công đóng vai cai ngục. Nghiên cứu này ngày nay được biết đến với cái tên “Thí nghiệm nhà tù Stanford,” dự kiến kéo dài hai tuần nhưng bị dừng lại chỉ sau sáu ngày. Nhà tâm lí học phụ trách Philip Zimbardo nói rằng ông hủy thí nghiệm bởi sự đối xử của các cai ngục với tù nhân đã trở nên tồi tệ tới mức “ngược đãi đầy nhục nhã và quấy rối” và cũng bởi vì chuyến thăm của người vợ tương lai của ông, Christina Maslach, một nhà tâm lí học trẻ tuổi đã bày tỏ sự kinh hoàng trước những gì đang xảy ra.
Một số tù nhân vô cùng đau khổ và khoảng một phần ba cai ngục đã hành xử cực kì tàn ác. Hồ sơ tính cách trước nghiên cứu của những cai ngục tàn ác này không hề cho ra manh mối nào về điều họ dám làm: Tất cả đều được đánh giá là cảm xúc ổn định và tuân thủ pháp luật. Zimbardo nói rằng nghiên cứu cho thấy cách mà những tình huống và vai trò xã hội nhất định có thể tước đoạt tính cá nhân của họ, thúc đẩy họ hành xử tàn bạo hay phục tùng.
Thí nghiệm nhà tù Stanford của Zimbardo được quan tâm trở lại vào năm 2004, khi nổi lên các cáo buộc về tình trạng cai ngục Hoa Kì bạo hành tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Thực tế, Zimbardo đã trở thành nhân chứng chuyên môn bào chữa trong các phiên tòa quân sự xử trung sĩ Ivan “Chip” Frederick, nơi ông tranh luận rằng phần nhiều trách nhiệm của hành động hung bạo là do môi trường nhà tù cộng với các hoàn cảnh hệ thống và chính trị rộng lớn.