Harry Harlow quan tâm đến sự hình thành liên kết giữa người mẹ với đứa trẻ và cố gắng đánh giá tầm quan trọng của nhu cầu thức ăn cũng như sự thoải mái ở trẻ. Trong một loạt các thí nghiệm nổi tiếng nhưng trái đạo đức, ông đã chia cắt những con khỉ nâu mới sinh khỏi mẹ đẻ và nuôi dưỡng chúng trong một cái lồng với hai khỉ mẹ giả “thế thân”. Khỉ con buộc phải lựa chọn giữa hai khỉ mẹ giả: Một cái làm bằng dây thép có bình sữa, cái kia làm từ loại vải bông mềm mại ấm áp nhưng không có bình sữa. Harlow phát hiện ra rằng khỉ con dành hầu hết thời gian với khỉ mẹ vải, dù cho “mẹ” không cung cấp được chất dinh dưỡng. Trong thí nghiệm khác, ông cho những con khỉ vào các lồng chỉ có một trong hai thế thân.
Những con khỉ bị nhốt trong lồng có mẹ vải cảm thấy đủ an toàn để khám phá môi trường mới, và sẽ chạy ngược lại bám lấy “mẹ” khi bị sợ hãi bởi tiếng động lớn. Ngược lại, những con khỉ phải ở với thế thân làm bằng dây thép không khám phá chiếc lồng, khi hoảng sợ sẽ cứng đờ người và thu mình lại, hay chạy tán loạn quanh lông.
Harlow chỉ ra rằng khỉ con có nhu cầu tiếp xúc bẩm sinh với thứ mang lại cảm giác dễ chịu, một điều cũng cơ bản như nhu cầu thức ăn. Bằng cách đó, ông thách thức lí thuyết ràng buộc “tình cảm vụ lợi” phổ biến với các nhà hành vi học và phân tâm học. Thuyết này cho rằng trẻ sơ sinh gắn bó với người mẹ bởi vì mẹ có thể thỏa mãn nhu cầu bản năng với dinh dưỡng. Ông cũng tranh luận rằng người cha có thể chăm sóc tốt như người mẹ. Đó là một ý tưởng cách mạng vào thời điểm đó.