Thật hấp dẫn khi nhìn vào những người đạt thành tích thực sự phi thường – các vận động viên Olympic hay nhạc sĩ danh tiếng – và kết luận rằng chắc hẳn họ được sinh ra với tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, theo nghiên cứu có ảnh hưởng lớn của nhà tâm lí học Anders Ericsson, con đường tới trình độ chuyên gia luôn rộng mở với bất kì ai sẵn sàng thực hiện các cấp độ rèn luyện cần thiết.
Bao nhiêu? Các nghiên cứu về những nhạc sĩ, vận động viên và kì thủ cờ vua ưu tú gợi ý rằng cần ít nhất 10.000 giờ tập luyện trong hơn 10 năm. Hơn thế nữa, không phải bất kì kiểu luyện tập nào cũng có hiệu quả. Ericsson nói rằng nó cần phải là “rèn luyện có chủ ý”, tức là bạn không chỉ lặp lại điều mình biết, mà còn liên tục tìm cách để tận dụng năng lực của mình. Điều này hiển nhiên bao gồm việc tự phê bình, những thất bại lặp lại và khả năng bền bỉ để kiên trì và cố gắng lần nữa: Một quá trình không hề vui vẻ và cách rất xa việc tập luyện nhàn nhã. Mặc dù quan điểm của Ericsson chống lại ý tưởng về tài năng bẩm sinh, khái niệm rèn luyện có chủ ý của ông ý tất nhiên đòi hỏi một sự kết hợp hiếm có của động lực lớn, sức khỏe tốt, và cơ hội để rèn luyện.
Tương tự tập luyện thật nhiều, các yếu tố tình huống khác rõ ràng cũng giúp chúng ta dễ dàng đạt được sự vĩ đại, bao gồm sinh ra trong tháng Một (lợi thế do lớn tuổi hơn các bạn bè trong lớp và trong các buổi luyện tập thể thao) và sống trong một thành phố có dân cư ít hơn 500.000 người. Yếu tố sau mang đến cơ hội để thử nhiều hoạt động khác nhau, giúp xây dựng các kĩ năng chung như tính tự giác và phối hợp nhóm.