Ai nói rằng tình dục không tồn tại trước những năm 1960 rõ ràng chưa đọc Sigmund Freud. Ông được cho là nhà tâm lí học có ảnh hưởng nhất từng sống, nổi tiếng toàn cầu (nếu không muốn nói là tai tiếng) về các lí thuyết dựa trên ý tưởng tình dục là động lực chính của hành vi con người. Không phải thức ăn. Không phải tiền bạc. Không phải tình yêu. Mà chính là tình dục.
Theo Freud, trẻ em trải qua ba giai đoạn phát triển tình dục khác nhau, được xác định bởi những vùng kích thích khoái cảm của cơ thể: Miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục. Ông đưa ra giả thuyết rằng một đứa trẻ ba tuổi có các cảm xúc tình dục với cha mẹ khác giới với mình và chuyển hóa thành tính ghen tị với người cha hoặc mẹ có cùng giới tính, gọi là phức cảm Oedipus hoặc phức cảm Electra. Trong trường hợp của các cậu trai, điều này bị kìm nén bởi nỗi sợ bị thiến, dẫn tới việc cậu ta đồng cảm với cha mình. Các bất trắc trong quá trình này sẽ dẫn tới những ám ảnh lệch lạc khi trưởng thành. Khi Freud công bố các lí thuyết về tình dục của mình vào năm 1905, nó gây ra một cơn cuồng nộ và dẫn tới những cáo buộc về nổi ám ảnh tình dục.
Nhưng tất nhiên, Freud viết về nhiều thứ hơn tình dục. Có lẽ di sản lớn nhất của ông cho lĩnh vực tâm lí học là khám phá ra vô thức. Mặc dù các triết gia và các nhà tâm lí học khác bao gồm cố vấn của Freud, Josef Breuer và Jean-Martin Charcot, đã điều tra vô thức thông qua thôi miên, chính sự phát triển khái niệm phân tâm học của Freud (“chữa bệnh bằng nói chuyện”) mới thực sự mở ra những bí mật của vô thức. Việc Freud sử dụng giấc mơ để khám phá những khao khát vô thức này đã làm nảy sinh toàn bộ lĩnh vực giải mã giấc mơ.
Nhưng hình ảnh “ông già bẩn thỉu của tâm lí học” vẫn đọng lại trong trí tưởng tượng của công chúng. Không phải ngẫu nhiên mà Pavlov được nhớ đến vì những con chó, Milgram được nhớ đến vì các thí nghiệm phục tùng, còn người sáng lập ra phân tâm học được nhớ đến vì “lỡ lời kiểu Freud” (thuật ngữ dùng để chỉ việc lỡ lời do tiềm thức bị đè nén và vô tình bộc lộ).