Có rất ít thí nghiệm tâm lí học thu hút trí tưởng tượng của công chúng như thí nghiệm phục tùng mà Stanley Milgram thực hiện vào những năm 1960. “Thí nghiệm Milgram” đã xuất hiện trong các bộ phim tài liệu, phim ảnh, nhạc pop và hình thành cơ sở cho một bộ phim truyền hình ở Pháp vào năm 2010. Nhưng Milgram không hề hoạch định sự nghiệp trong ngành tâm lí học, và đơn xin học môn đó của ông ban đầu bị từ chối. Milgram sinh ra ở quận Bronx, New York, có cha mẹ là người Do Thái. Người mẹ Romania của ông tới New York khi lên bốn còn cha ông di cư từ Hungary sang sau Thế chiến thứ nhất. Do khả năng tài chính có hạn, ông lấy bằng cử nhân về Khoa học Chính trị ở Cao đẳng Queens, nơi được miễn học phí. Ông nộp hồ sơ xin học Tâm lí học Xã hội ở Harvard, nhưng bị từ chối vì không có nền tảng trong môn học này – ông không thể đăng kí một khóa học tâm lí học nào ở Queens. Không nản lòng, ông dành cả mùa Hè năm 1954 tích lũy các tín chỉ tâm lí học và cuối cùng được nhận qua Văn phòng Sinh viên Đặc biệt của Harvard.
Ông sớm đạt thành công khi các thí nghiệm phục tùng được đăng trên Tạp chí Tâm lí học Bất thường và Xã hội vào năm 1963 với tên “Nghiên cứu hành vi của sự phục tùng”. Các kết quả thí nghiệm ngay lập tức được cả thế giới chú ý. Điều đáng thất vọng là những kĩ thuật được Milgram sử dụng bị các nhà phê bình cáo buộc là gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho đối tượng tham gia. Đơn xin vào Hiệp hội Tâm lí học Hoa Kì của ông bị trì hoãn trong khi các phương pháp của ông bị điều tra. Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Harvard, ông nhận vị trí trợ lí giáo sư ở Đại học Yale. Ba năm sau, ông được mời quay lại Harvard làm trợ lí giáo sư. Vào năm 1967, ông nhậm chức giáo sư Đại học Thành phố New York, nơi ông ở lại cho đến cuối đời.
Mặc dù được biết đến nhiều nhất vì các thí nghiệm phục tùng, Milgram cũng thực hiện các thí nghiệm có tầm ảnh hưởng trong “hiện tượng thế giới nhỏ” (hay “sáu chặng phân cách”) và các tác động tâm lí của môi trường đô thị.