Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người vẫn thường sử dụng từ tâm lí để nói về lòng người như: “Anh A rất tâm lí”, “chị B chuyện trò tâm tình cởi mở”… với ý nghĩa là anh A, chị B… có hiểu biết về lòng người, về tâm tư, nguyện vọng, tính tình… của con người. Đó là cách hiểu “tâm lí” ở cấp độ nhận thức thông thường. Đời sống tâm lí con người bao hàm nhiều hiện tượng tâm lí phong phú, đa dạng, phức tạp từ cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy tưởng tượng đến tình cảm, ý chí, tính khí, năng lực, lí tưởng: niềm tin…
Trong tiếng Việt, thuật ngữ “tâm lí”, “tâm hồn” đã có từ lâu. Từ điển tiếng Việt (1988) định nghĩa một cách tổng quát: “Tâm lí” là ý nghĩ, tình cảm… làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người”.
Theo nghĩa đời thường, chữ “tâm” thường dùng với các cụm từ “nhân tâm”, “tâm đắc”, “tâm địa”, “tâm can”… thường có nghĩa như chữ “lòng”, thiên về tình cảm, còn chữ “hồn” thường để diễn đạt tư tưởng, tinh thần, ý thức, ý chí… của con người. “Tâm hồn”, “tinh thần” luôn gắn với “thể xác”.
Trong lịch sử xa xưa của nhân loại, trong tiếng La tinh: “Psyche” là “linh hồn”, “tinh thần” và “logos” là “học thuyết”, là “khoa học”, vì thế “tâm lí học” (Psychology) là khoa học về tâm hồn. Nói một cách khái quát nhất: tâm lí bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con người. Các hiện tượng tâm lí đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống của con người, trong quan hệ giữa con người với con người trong xã hội loài người.
Tâm lí học là khoa học về các hiện tượng tâm lí, nhưng trước khi tâm lí học ra đời với tư cách một khoa học độc lập, những tư tưởng tâm lí học đã có từ xa xưa gắn liền với lịch sử loài người.