Abraham Maslow học tập để trở thành nhà tâm lí học thực nghiệm. Nhưng rồi ông vỡ mộng với việc xác định bản chất con người qua các thí nghiệm trong phòng và không thỏa mãn với sự lên ngôi của Freud. Thay vì nhìn nhận con người là bên tiếp nhận thụ động của kinh nghiệm hay nô lệ cho những thôi thúc vô thức, Maslow thấy rằng chúng ta bị thúc đẩy bởi một nhu cầu tối thượng là cảm thấy “thỏa mãn” và “tự khẳng định”, cảm thấy bình an với chính mình và những người khác, cũng như có tâm lí tự do “trở thành bất cứ thứ gì mà một người có thể trở thành.” Tâm lí học nhân văn phát triển từ nguồn cảm hứng này và đặt kinh nghiệm sống chủ quan ở trung tâm của bản chất con người, chứ không phải vô thức. Rất nhiều nhà trị liệu tâm lí theo đuổi ý tưởng này, đáng chú ý nhất là Carl Rogers. Ông dựa vào “phương pháp trị liệu lấy khách hàng làm trung tâm”, trên nguyên tắc chân thật và chấp nhận các giá trị cơ bản của một người. Maslow đôi lúc không thoải mái khi hướng tiếp cận của mình bị các nhóm phản văn hóa hấp thụ vào những năm 1960, dẫn đến những thứ như các buổi love-in (các buổi tụ họp khuyến khích bày tỏ cảm xúc về tình bạn, hấp dẫn thể xác đến phản kháng chính trị, gắn liền với phong trào hippie) tới phương pháp trị liệu tâm lí bằng khỏa thân. Dù vậy, chủ đề trọng tâm của ông là tôn trọng tính tự chủ cá nhân và khuyến khích sự phát triển của con người giờ đã trở thành cốt lõi của hầu hết các phương pháp điều trị tâm lí hiện đại. “Tháp nhu cầu” mang tên ông vẫn được xem là lí thuyết quan trọng về động lực của con người.
Dù bị chỉ trích bởi chỉ chú tâm vào khía cạnh hẹp trong tâm lí học khoa học, Maslow luôn xem cách tiếp cận nhân văn là thứ bổ sung cho nó hơn là hay thế, và hơi có chút thất vọng khi các ý tưởng của ông không có ảnh hưởng lớn hơn với những nhà khoa học thời đó. Tuy nhiên gần đây, phong trào tâm lí học tích cực mang tính khoa học đã quay lại chủ đề về hạnh phúc cùng tiềm năng con người và biểu dương Maslow là nguồn cảm hứng ban đầu.