Cái gì không giết được tôi sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn.” Rapper Kanye West đã hát như vậy trong ca khúc Stronger (Mạnh mẽ hơn) vào năm 2007. Friedrich Nietzsche, triết gia người Đức, cũng viết tương tự vậy vào thế kỉ 19: “Thứ gì không giết được ta khiến ta mạnh mẽ hơn.” Lời của họ đã trở thành phương châm lí tưởng cho tâm lí học tích cực, phong trào do nhà tâm lí học Martin Seligman của Đại học Pennsylvania khởi xướng trong bài phát biểu chủ tịch cho hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lí học Mĩ năm 1998.
Seligman than vãn về thực tế là tâm lí học đã tập trung quá lâu vào các bệnh tâm thần và nỗi đau khổ. Ông kêu gọi ngành này nên tập trung nhiều hơn vào những điều tích cực, các điểm mạnh và đức tính con người. Ngày nay, chuyên ngành hẹp của tâm lí học tích cực đã có tạp chí chuyên ngành, tổ chức quốc tế và hội nghị riêng thường xuyên. Nghiên cứu của tâm lí học tích cực đã cho thấy bằng chứng tạm thời là nghị lực con người có thể được tăng cường khi gặp các trải nghiệm bất lợi, như sống sót qua thảm họa hay sống chung với một căn bệnh. Trong công việc, khi nhà quản lí tập trung vào điểm mạnh của nhân viên thì năng suất sẽ tăng. Về việc trị liệu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng nếu nhà trị liệu dành thời gian xem xét các điểm mạnh của khách hàng, chứ không phải các vấn đề của họ thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Không phải ai cũng say mê thông điệp tích cực. Năm 2009, nhà văn và nhà hoạt động xã hội Barbara Ehrenreich đã phát hành cuốn sách có tựa Mặt tích cực: Việc không ngừng đề cao suy nghĩ tích cực đã làm suy yếu nước Mĩ như thế nào. Trong số các mục tiêu chỉ trích, Ehrenreich đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy thái độ tâm thần tích cực không ảnh hưởng tới tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú. Từ kinh nghiệm trực tiếp, Ehrenreich nói rằng áp lực phải tích cực lại chất thêm gánh nặng cho bệnh nhân.