Đầu những năm 1970, nhà tâm lí học David Rosenhan tin răng định nghĩa y học cho bệnh tâm thần là rất mơ hồ và tùy theo ý tưởng bất chợt của mỗi bác sĩ. Ông quyết định kiểm tra bác sĩ tâm thần có thể phân biệt người “tỉnh” và người “điên” như thế nào bằng cách gửi tám người bạn tới phòng cấp cứu của bệnh viện, mỗi người giả vờ nghe thấy một giọng nói rằng “trống rỗng”, “rỗng không” và “tiếng bịch.” Cả tám người đều bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và được vào nằm viện. Khi ở đó, theo hướng dẫn của Rosenhan, họ bắt đầu hành động bình thường và báo cáo rằng không còn nghe thấy “các giọng nói” đó nữa. “Các bệnh nhân giả” bị giữ lại viện, thường là hàng tuần liền, trong khi các nhân viên luôn diễn giải các hành vi bình thường là một phần của căn bệnh không tồn tại này. Khi tin tức về nghiên cứu lan ra, một bệnh viện của trường đại học địa phương cho rằng họ sẽ không gặp lỗi giống vậy, do đó Rosenhan hứa rằng sẽ gửi nhiều bệnh nhân giả đến hơn. Thực tế ông chẳng gửi ai cả, nhưng bệnh viện đó đã qui kết hơn 40 bệnh nhân thật là kẻ giả mạo và 23 người khác bị nghi là giả. Cơn chấn động từ nghiên cứu này được đặt tên đầy khiêu khích là “Tỉnh táo ở bệnh viện tâm thần” đã đập tan sự tự tin của ngành y, dẫn tới một hệ thống chẩn đoán mới phụ thuộc vào danh sách kiểm tra và các nghiên cứu khoa học cụ thể để xem các bác sĩ tâm thần có thể sử dụng chúng đáng tin cậy đến mức nào.
Bác sĩ tâm thần Robert Spitzer trả lời rằng nếu ông ngậm máu và nôn ra ở một phòng cấp cứu, giả vờ bị viêm loét dạ dày tá tràng, người ta không nên trách nhân viên vì bị lừa hay nên thay đổi định nghĩa của xuất huyết nội. Mặc dù đưa ra lời chỉ trích này, Spitzer đã dẫn đầu một cuộc cải cách về định nghĩa các bệnh tâm thần. Nhờ đó, các chẩn đoán hiện đại đã ít mơ hồ hơn và không còn phụ thuộc vào sự diễn giải của mỗi bác sĩ.