Trở lại những năm 1960, nhà tâm lí học người Anh Peter Wason cho các đối tượng nghiên cứu xem bốn lá bài, mỗi lá có một chữ cái ở một mặt và một số ở mặt còn lại. Hai lá chìa ra mặt có chữ, hai lá chìa ra mặt số, như thế này: B, E, 4,8.
Nhiệm vụ của người tham gia là nói ra lá bài cần lật để kiểm tra phát biểu: “Nếu một lá bài có chữ B ở một mặt thì mặt còn lại sẽ luôn là số 4.” Hầu hết người tham gia nói họ sẽ lật lá bài có chữ B, thế là hợp lí vì bất cứ số nào ngoài số 4 ở mặt còn lại sẽ bác bỏ tuyên bố đó. Tuy nhiên, một lượng lớn người tham gia sau đó lại nói nhâm rằng họ sẽ lật lá có số 4. Làm thế thật vô nghĩa. Sự hiện diện của chữ B ở mặt bên kia sẽ ủng hộ phát biểu, nhưng không mang tính kết luận. Bất kì chữ cái nào khác xuất hiện sẽ không liên quan tới phát biểu. Lá bài khác mà người tham gia nên chọn lật là lá 8. Nếu lá này lật ra chữ B thì phát biểu này sẽ bị sai lệch.
Được biết tới là “Nhiệm vụ lựa chọn của Wason”, thí nghiệm này và nghiên cứu khác mà Wason thực hiện đã cho thấy “thiên kiến xác nhận” mạnh mẽ của chúng ta: Xu hướng tìm kiếm bằng chứng ủng hộ niềm tin vốn có của mình.
Chúng ta đọc các tờ báo tán thành các quan điểm chính trị và chú ý hơn tới các quảng cáo ủng hộ những thương hiệu yêu thích của mình.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta đối mặt với bằng chứng khoa học mâu thuẫn trực tiếp với niềm tin của mình? Một nghiên cứu vào năm 2010 được thực hiện bởi nhà tâm lí học Geoffrey Munro của Đại học Towson đã phát hiện tình huống như vậy khiến nhiều người trong chúng ta kết luận rằng chủ đề này và cả các chủ đề khoa học khác là không thể thử nghiệm được. Ông gọi đây là “viện cớ bất lực mang tính khoa học.”