Với Vygotsky, khả năng suy nghĩ và lập luận của chúng ta phần lớn là sản phẩm của một quá trình xã hội. Trẻ em chỉ tự mình học làm được rất ít việc, thay vào đó trẻ học qua tương tác với người khác. Bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội với người thầy hay “chuyên gia hướng dẫn” như cha mẹ hay giáo viên, trẻ phát triển theo hướng độc lập và tự túc. Điều này liên quan tới quá trình biến chuyển dần các năng lực trí tuệ: Quá trình giải quyết vấn đề ban đầu diễn ra trong thiết lập xã hội, nhưng dần được “tiếp thu” khi trẻ làm theo ví dụ. Đầu tiên hãy xem xét hành động chỉ trỏ khi trẻ không lấy được thứ ở ngoài tầm với, vốn có nhiều ý nghĩa hơn cử chỉ ra hiệu. Khi người mẹ thấy con mình chỉ trỏ, cô sẽ lấy giúp và cũng sẽ chỉ vào món đồ đó. Kết quả là đứa trẻ học cách chỉ vào một món đồ ngoài tầm với, rồi nhìn chằm chằm người mẹ. Chỉ trỏ là hành động có chủ ý ra hiệu cho người mẹ biết rằng trẻ muốn món đồ mà nó chỉ vào. “Vùng phát triển lân cận” của Vygotsky đề cập tới khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế phát triển của trẻ, hay giữa điều trẻ đã nắm được và điều trẻ có thể làm được dưới sự hướng dẫn của người lớn. Theo đó, các trắc nghiệm IQ không thể cung cấp đánh giá cho khả năng thật sự của trẻ, bởi vì bài kiểm tra chỉ cho thấy điều trẻ có thể làm mà không có sự trợ giúp.
Mặc dù qua đời sớm ở tuổi 37, Vygotsky đã đóng góp đáng kể cho tâm lí học và các ý tưởng của ông đặc biệt liên quan đến giáo dục. Ngoài việc đặt nghi vấn về giá trị của việc kiểm tra theo tiêu chuẩn, ông chỉ ra rằng giáo viên có thể hỗ trợ sự phát triển trí thông minh của học sinh bằng các phương pháp tương tác và hướng dẫn, quanh những nhiệm vụ mà chúng có thể độc lập thực hiện. Làm như vậy, giáo viên đã cung cấp một “giàn giáo” hay bối cảnh, trong đó học sinh có thể dùng kiến thức đã có để giải quyết vấn để trong tẩm tay.