Trong khi tâm lý học hành vi quan tâm đến việc quan sát các hành động bên ngoài và thuyết phân tâm đào sâu vào cõi tiềm thức, thuyết nhân bản mang tính toàn diện, tập trung vào cách một người nhìn nhận về hành vi của bản thân và lý giải các sự kiện. Nó chú trọng vào quan điểm chủ quan của một người về bản thân và con người họ muốn trở thành, thay vì quan điểm khách quan của một người quan sát.
Với hai nhà tiên phong là Carl Rogers và Abraham Maslow vào thập niên
1950, thuyết nhân bản mang đến một con đường khác để cố gắng lĩnh hội bản chất loài người. Nó giả định rằng sự phát triển và hoàn thiện cá nhân là mục đích chính trong cuộc đời, và rằng sự khỏe mạnh về cảm xúc và tâm thần sẽ đến cùng với việc đạt được điều này. Nguyên lý về ý chí tự do, được thực hiện qua những lựa chọn của một người, cũng đóng vai trò cốt yếu.
Rogers và các nhà tâm lý học nhân bản khác đề nghị nhiều phương pháp mới để điều tra, chẳng hạn như bảng câu hỏi mở mà trong đó không có một đáp án “đúng”, các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên, và việc sử dụng nhật ký để ghi chép cảm xúc và suy nghĩ. Họ lý luận rằng cách duy nhất để thực sự biết được về một ai đó là trò chuyện cùng họ.
Thuyết nhân bản là học thuyết nền tảng của liệu pháp người bệnh trọng tâm (person-centered therapy) (trang
132) – một trong những liệu pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất. Tiếp cận nhân bản cũng được sử dụng trong giáo dục để khuyến khích trẻ rèn luyện ý chí tự do và tự đưa ra lựa chọn của mình, và trong việc nghiên cứu và hiểu về động cơ.
Tuy nhiên, thuyết nhân bản lại bỏ qua những khía cạnh khác của cá nhân chẳng hạn như sinh học, tiềm thức, và tác động mạnh mẽ của hoóc-môn. Các nhà phê bình cũng nói rằng tiếp cận này là phi khoa học, bởi mục đích tự khẳng định bản thân (self-realization) của nó không thể được đánh giá một cách chính xác.