Có vẻ như thiên tài được di truyền theo huyết thống. Khó có gia tộc nào chứng minh điều này tốt hơn dòng họ James ở New York. Không chỉ là tộc trưởng, nhà thần học giàu có và được kính trọng bằng chính năng lực, Henry James Snr. còn là cha của ba đứa trẻ lần lượt đạt được thành tựu trong các lĩnh vực riêng: Nhà văn Henry James, nhà viết nhật kí Alice James và nhà tâm lí học William James.
Tuy nhiên, là con cháu của dòng họ James không dễ dàng gì, vì cả năm người con của Henry James Snr. đều phải chịu đựng những chứng bệnh khác nhau từ trầm cảm và/ hoặc các bệnh về thể chất lẫn lộn. Quá trình giáo dục của họ dù có nhiều ưu thế lại không ổn định (họ thường xuyên đi về giữa Hoa Kì và châu Âu), sự “không ổn định” này có vẻ đã ảnh hưởng tới những người con trai nổi tiếng. Henry khởi đầu là học luật ở Đại học Harvard trước khi chuyển sang văn học, còn William học vẽ trước khi chuyển sang y học rồi dạy tâm lí học ở Harvard. Tương tự, khi Henry tiên phong trong việc sử dụng người dẫn chuyện không đáng tin và các cuộc độc thoại nội tâm trong văn chương, William cũng được ghi danh cho khái niệm “dòng ý thức”, còn được biết đến với lí thuyết thực tiễn về chân lí, trong đó ông xem xét bản chất của sự thật. Một điều mà cả hai anh em dường như đều chắc chắn là chẳng có gì chắc chắn hết.
Giống như anh trai, William là một nhà văn sung mãn, nhưng chính cuốn Các nguyên tắc của Tâm lí học, mất 12 năm mới hoàn thành, đã xác định ông là “cha đẻ của ngành tâm lí học Mĩ.” Pho sách dày 1.200 trang và phiên bản rút gọn của nó Tâm lí học: Bài giảng vắn tắt hơn (hai cuốn sách được gọi tương ứng là The James và The Jimmy) nhanh chóng trở thành sách tham khảo tiêu chuẩn cho sinh viên về môn học này. Bản thân William lại chẳng mấy mặn mà với sáng tạo của mình. Ông mô tả nó là “một đống đáng ghét, phình trướng, sưng sỉa, cồng kềnh, phù nề, chẳng chứng minh được gì ngoài hai sự thật: Đầu tiên, chẳng có thứ gì là khoa học về tâm lí và thứ hai, WJ là kẻ bất tài.” Lời lẽ thật khắc nghiệt. Tuy nhiên, sự thật của ông không phải là của tất cả mọi người.