Chắc hẳn bạn đã nghe huyền thoại về người Eskimo có thể phân biệt được vô số loại tuyết. Theo giả thuyết Sapir-Whorf (được đặt theo tên nhà ngôn ngữ học Hoa Kì Edward Sapir và học trò của ông Benjamin Whorf), lí do cho năng lực ai cũng biết này là người Eskimo có nhiều từ miêu tả tuyết hơn người nói những ngôn ngữ khác. Theo ý này, vốn từ ngữ quyết định khả năng suy nghĩ và nhận thức của chúng ta theo đúng nghĩa đen. Ý tưởng này đã có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều thập niên, sau khi được Whorf đề xuất lần đầu trên tạp chí Bình luận Công nghệ của MIT vào năm
1940. Tuy nhiên, đến những năm 1990, giả thuyết này không còn được coi trọng trong giới khoa học chính thống. Nhà tâm lí học Steven Pinker thậm chí còn viết một “cáo phó” cho nó trong cuốn sách
Bản năng Ngôn ngữ xuất bản năm 1994. Tất nhiên, nếu chúng ta chỉ có thể nghĩ về những thứ có từ cho nó, thì làm sao ban đầu chúng ta học được ngôn ngữ? Huyền thoại Eskimo đã bị lẫn lộn đầu đuôi: Một người Eskimo không phân biệt các loại tuyết nhờ lượng từ vựng cô ấy biết; cô sử dụng nhiều từ về tuyết hơn vì đã học cách nhận biết các loại tuyết khác nhau.
Mặc dù ngôn ngữ không quyết định khả năng suy nghĩ, hiển nhiên là qui ước của ngôn ngữ ảnh hưởng tới thói quen suy nghĩ của chúng ta. Khi xem xét các ngôn ngữ buộc người nói phải gán giới tính cho đồ vật, người ta thấy rằng người nói nhìn đồ vật theo đúng tính đực và tính cái phù hợp với qui ước ấy.