Chúng ta ai cũng biết “có ý thức” là gì, nhưng vẫn khó nắm bắt một định nghĩa đầy đủ cho nó. Nội dung của ý thức là một dòng nước hẹp, sôi nổi, gồm mọi thứ mà chúng ta nhận thức được trong hiện tại: Nhận thức về thế giới bên ngoài và các giác quan cơ thể cùng với các suy nghĩ, hành động, cảm xúc và kí ức. Nội dung ý thức thường được nghiên cứu bằng cách quét não, để so sánh các phản hồi của bộ não với các kích thích đi vào nhận thức so với các kích thích không đi vào. Một khung nghiên cứu chung những hiện tượng này là lí thuyết “khu vực làm việc toàn diện”, do Bernard Baars đề xuất vào năm 1987, so sánh ý thức với một nhà hát đang hoạt động. Đại đa số các sự kiện thần kinh là các quá trình vô thức xảy ra
“sau hậu trường” nhưng một số xâm nhập vào ý thức hay “sân khấu”, lọt vào ánh đèn và trở thành tâm điểm của sự chú ý. Ánh đèn này do vô thức chỉ đạo, được bao quanh bởi một loạt các sự kiện mơ hồ nhưng có ý nghĩa quan trọng, hoạt động như trung tâm phân phối các thông tin quan trọng toàn diện. Nhìn theo hướng này, ý thức có thể được xem như phương tiện mà bộ não ưu tiên, cho phép chúng ta tiếp cận những thông tin cần thiết để hoạt động bình thường.
Ý thức từ lâu đã là đối tượng tranh luận giữa các nhà thần kinh học và các triết gia. Nghiên cứu bộ não hiện đại chỉ mới bắt đầu cung cấp một số hiểu biết về nó, và lí thuyết khu vực làm việc toàn diện là mô hình hữu ích nhất để diễn giải các bằng chứng hiện có. Phương pháp này cung cấp hiểu biết về các rối loạn ý thức như hôn mê và tình trạng thực vật kéo dài, cùng một số thông tin gợi ý rằng các tình trạng như tâm thần phân liệt liên quan tới sự thay đổi sâu sắc của các quá trình trong không gian làm việc toàn diện.