Một trong những tội phạm lớn nhất thế kỉ là Adolf Hitler đã thực sự được bầu lên nắm quyền. Bằng cách nào? Một lí thuyết tâm lí quan trọng của nhà tâm lí học xã hội Henri Tajfel có cơ sở là các trải nghiệm tù nhân chiến tranh ở Thế chiến thứ hai. Là người Do Thái, Tajfel muốn giải thích lí do một sự kiện khủng khiếp như Holocaust có thể xảy ra. Hầu hết người thân và bạn bè người
Ba Lan của ông đã bị sát hại và Tajfel chỉ thoát được nhờ che giấu danh tính. Một loạt các thí nghiệm trong những năm 1970 đã giúp Tajfel nhận ra rằng mọi người sẽ tỏ lòng trung thành phi thường với những nhóm độc đoán vì các lí do tưởng chừng không quan trọng: Cùng màu tóc, nơi sinh, hay thậm chí sau khi bị chỉ định ngẫu nhiên vào một nhóm. Hiện tượng này gọi là lí thuyết về bản sắc xã hội. Những nhóm này cần người lãnh đạo và nhà tâm lí học người Mĩ Michael Hogg trong những năm 1990 đã phát hiện ra răng thành viên sẽ không chọn người “thông minh và sáng giá nhất”, mà là các cá nhân trung bình nhất, hầu hết mọi người dễ dàng thấy tương đồng. Một khi năm quyền, các lãnh đạo trở nên khác biệt với cử tri, vì thế họ càng phải cố gắng để chứng minh rằng mình giống nhóm. Đây có thể là lí do vì sao các khẩu hiệu theo chủ nghĩa dân tộc, ngay cả khi phân biệt chủng tộc trắng trợn, thường là các chiến lược chính trị hiệu quả. Bằng cách xác định nhóm của mình bằng những cụm từ độc nhất, những nhà lãnh đạo có thể củng cố bản sắc xã hội của mình và xây dựng quyền lực.
Điều gì khiến một người thuộc về nhóm này hơn là nhóm khác? Bạn đang đọc cuốn sách 30 Giây Tâm Lí Học được dịch ra tiếng Việt, liệu điều đó có khiến bạn thuộc nhóm “người đọc sách”,” người nói tiếng Việt” hay “người hâm mộ tâm lí học?” Làm sao các nhóm được chọn ra là câu đố hóc búa mà các nhà tâm lí học xã hội phải tiếp tục suy ngẫm. Lí thuyết về bản sắc xã hội cho rằng bạn sẽ gắn bó với bất kì nhóm nào trong số đó, nhưng bị thúc đẩy bởi rất nhiều yếu tố bao gồm lòng tự trọng, giảm thiểu sự nghi ngờ hay chỉ đơn giản là sự gợi ý.