Ai đã giết Sigmund Freud?
Câu trả lời ngắn gọn, nói theo lối ẩn dụ, đó phải là Aaron Beck. Khi Beck nhận bằng tâm thần học vào năm 1946, phân tâm học đang ở thời kì huy hoàng. Lĩnh vực này bị chi phối bói các nhân vật có sức thuyết phục, những người cầm trịch nhờ “địa vị cao” hơn là “bằng chứng.” Phương pháp đáng tin cậy duy nhất là nguyên tắc ngón cái, tức là khoảng một phần ba bệnh nhân sẽ khỏe lên, một phần ba trở bệnh xấu đi và một phần ba vẫn thế.
Beck đã thay đổi tất cả. Ông nghĩ ra hàng loạt các thử nghiệm lâm sàng để kiểm nghiệm các lí thuyết phân tâm học. Trong từng trường hợp, các lí thuyết đều không khớp với trải nghiệm thực tế của bệnh nhân. Các thử nghiệm sau đó dẫn đường ông đến việc phát triển phương pháp của riêng mình. Phương pháp này liên kết với ý tưởng của các nhà hành vi học đã trở nên nổi tiếng với cái tên “liệu pháp nhận thức hành vi” (hay CBT). Tuy nhiên, quan trọng là Beck không chỉ chứng minh Freud sai và đưa ra giải pháp thay thế, ông còn tạo ra các bài kiểm tra để kiểm chứng tính hiệu quả của việc điều trị và chứng minh ý tưởng của mình bằng dữ liệu. Kết quả là, rất nhiều bài kiểm tra được sử dụng trong tâm lí trị liệu ngày nay mang tên ông, như Bảng câu hỏi trầm cảm của Beck, Thang đo độ thất vọng của Beck, Thang đo ý tưởng tự sát của Beck và Thang đo độ lo âu Beck. Gần như một tay Beck đã biến đổi tâm lí trị liệu từ nghệ thuật thành khoa học.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cộng đồng phân tâm học xa lánh ông. Ngay cả sau khi ông đủ điều kiện trở thành nhà phân tâm học, Viện Phân tâm học Hoa Kì từ chối đơn xin làm thành viên của ông. Theo quan điểm của họ, khao khát thực hiện các nghiên cứu của ông đã chứng minh ông phân tích sai. Nhưng phương pháp của Beck phù hợp với phần đông xã hội, những người muốn bằng chứng khoa học và các giải pháp thực dụng, hơn là những cuộc thám hiểm dài, gần như bí ẩn của phân tâm học. Trong vài thập kỉ, các ý tưởng của Freud gần như bị thay thế hoàn toàn bởi các ý tưởng của Beck. Nhà vua đã chết, nhà vua muôn năm.