Các chuyên gia và cả người không chuyên từng nghĩ giống nhau là quyết định của nhóm thì bảo thủ hơn của cá nhân. Lập luận sai lầm là quyết định của các nhóm phản ánh quan điểm trung bình của tất cả thành viên, do đó giảm bớt các quan điểm cực đoan. Nghiên cứu đột phá của James Stoner vào năm 1961 được lặp lại hàng trăm lần, cho thấy trên thực tế nhóm đưa ra các quyết định phân hóa hơn so với cá nhân. Dù liên quan tới rủi ro tài chính hay quan điểm chính trị, các cuộc thảo luận nhóm sẽ nhấn mạnh vào bất kì định kiến ban đầu nào được các thành viên nêu ra.
Đầu những năm 1970, nhà tâm lí học Irving Janis của đại học Yale tranh luận rằng một số điều kiện sẽ dẫn đến một dạng phân cực nhóm vô cùng cực đoan gọi là “tư duy tập thế”, trong đó ảo tưởng nguy hiểm về sự đồng thuận sẽ giành quyền kiểm soát. Các điều kiện tiên quyết cho tư duy tập thể bao gồm: Các thành viên thân thiết và suy nghĩ giống nhau, một người lãnh đạo khiến lời nói của mình có trọng lượng và nhóm bị cách li khỏi những ảnh hưởng và ý kiến khác. Janis tranh luận rằng tư duy tập thể chịu trách nhiệm cho việc đưa ra các quyết định thảm họa dẫn đến cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn và thất bại của Hoa Kì trong việc dự đoán cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu cảng.
Từ nghiên cứu có ảnh hưởng mạnh mẽ của Janis, tư duy tập thể đã bị đổi lỗi cho rất nhiều thảm họa, bao gồm thảm họa tàu con thoi Challenger, và gần đây hơn là cuộc chiến Iraq, cộng đồng tình báo đã có niềm tin sai lầm rằng Saddam Hussein sở hữu kho dự trữ Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt. “Tư duy tập thể khiến cộng đồng (tình báo] diễn giải bằng chứng mơ hồ như việc thu mua công nghệ lưỡng dụng thành bằng chứng kết luận,” Pat Roberts, sau này là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, phát biểu với báo chí vào năm 2004.